Kiến tạo “Vũ trụ” vào trong từng không gian sống
Trong bối cảnh kiến trúc ngày càng kết nối chặt chẽ với nghệ thuật, công nghệ và văn hóa đương đại, Camille Thai – kiến trúc sư người Việt đang sống và làm việc tại Los Angeles – đang tạo dấu ấn trong lĩnh vực thiết kế nội thất với triết lý “worldbuilding” (kiến tạo thế giới). Cô không chỉ kiến tạo không gian vật lý mà còn “thổi hồn” vào đó, biến chúng thành những “vũ trụ” mang chiều sâu cảm xúc và bản sắc văn hóa.
Hành trình sáng tạo không gian mang dấu ấn cá nhân
Trong thời gian học thạc sĩ tại SCI-Arc, Camille đã đi sâu nghiên cứu về cách kiến trúc kể chuyện trong điện ảnh và thời trang. Cô nghiên cứu điện ảnh và thiết kế thế giới ảo. Đối với cô, thiết kế không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn là cách kể chuyện, truyền cảm xúc và phản ánh xã hội. Mỗi dự án là một thế giới riêng, nơi ánh sáng, vật liệu và bố cục hòa quyện để tạo nên một câu chuyện đầy cảm hứng.
Điển hình là dự án thiết kế trải nghiệm mua sắm cho thương hiệu thời trang cao cấp Prada trong studio của Peter Testa. Camille đã thiết kế một trải nghiệm “nhà máy” lấy vật liệu và người nghệ nhân làm trọng tâm, qua đó kể câu chuyện của người làm sản xuất và sản phẩm thông qua không gian. Trải nghiệm mua sắm không đơn thuần là giao dịch mà trở thành sân khấu nghệ thuật của sản phẩm và sân chơi của người mua.
Song song với nghiên cứu về nghệ thuật kể chuyện, luận án Thạc sĩ của Camille tập trung vào cách kiến trúc phản ánh xã hội, đặc biệt là sự thay đổi của nhà ở trong thời đại số. Luận án này đã xuất sắc giành giải thưởng tiêu biểu vào năm 2022. Cô phân tích việc các không gian riêng tư như phòng khách, bếp, hay thậm chí phòng tắm, ngày càng được sử dụng để ghi hình, livestream và xây dựng thương hiệu cá nhân, phản ánh sự xóa nhòa ranh giới giữa đời sống và internet. Một đóng góp nổi bật của cô là “Bách khoa toàn thư về vật thể xâm lấn” – một bộ sưu tập các thiết bị chuyên dụng như đèn ring, phông nền hay tripod, những vật thể hiện phổ biến trong không gian sống. Camille đề xuất cách tích hợp các vật thể này vào thiết kế nội thất, biến sự “xâm lấn” thành yếu tố kể chuyện có chủ đích.
Triết lý thiết kế từ SCI-Arc: Nghệ thuật kể chuyện, phản ánh giá trị văn hóa và xã hội qua kiến trúc
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Camille làm việc tại 22RE OFFICE của kiến trúc sư Dean Levin, một trong những studio đang định hình xu hướng nội thất mua sắm tại Los Angeles. Tại đây, cô đã có cơ hội biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực, với vai trò thiết kế và quản lý triển khai cho nhiều dự án thương mại.
Nhận thấy xu hướng mua sắm ngày nay đã vượt xa khái niệm “đến – chọn – trả tiền – rời đi”, các dự án của 22RE đều trở thành sân khấu thị giác, nơi khách hàng sống trong một thế giới được thiết kế để chạm đến mọi giác quan. Điển hình là cửa hàng flagship của AKILA Eyewear, mang tinh thần ryokan Nhật Bản, hay không gian Departamento tại Arts District, nơi mỗi vật liệu và cấu trúc đều như một dòng chảy đứt đoạn mang tính giải cấu trúc. Tại những nơi này, trải nghiệm mua sắm được đẩy đến giới hạn của nghệ thuật kể chuyện.
Từ những trải nghiệm này, Camille nhận định rằng mỗi cửa hàng không đơn thuần là nơi trưng bày sản phẩm, mà là một “trạm dừng” của trí tưởng tượng – nơi vật liệu, ánh sáng và cảm xúc giao thoa để tạo nên một hành trình đầy mê hoặc. Công việc tại 22RE đã tạo nền tảng vững chắc cho cô thấu hiểu về vật liệu thực tế và cách thêu dệt những câu chuyện bằng không gian, đặc biệt qua những chi tiết nhỏ trong giai đoạn triển khai. Đối với cô, “worldbuilding” không còn chỉ là lý thuyết, mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
LAM NHA studio – Tái định nghĩa “ngôi nhà”
Sau những kinh nghiệm làm việc tại các studio thiết kế khác nhau, Camille đã sáng lập LAM NHA Studio. Hơn cả một studio thiết kế độc lập, LAM NHA là nơi Camille ươm mầm những suy tư sâu lắng về “nhà” – không chỉ là bốn bức tường tĩnh lặng mà còn là chốn đong đầy kỷ niệm, nơi hơi thở cảm xúc lan tỏa trong từng ngóc ngách. Cái tên “Làm nhà” là cụm từ nôm na, gần gũi khi kiến trúc sư Việt Nam nói về công việc của mình, làm cho việc thiết kế không gian trở nên thân thiện và sinh động hơn
Studio của Camille không chỉ là một dự án, mà còn là một hành trình “về nguồn”, một cách cô kể câu chuyện về “nhà” bằng ngôn ngữ thiết kế đầy sáng tạo và đam mê. Đối với Camille, những vũ trụ thu nhỏ chính là “nhà” của mọi thứ bên trong nó. Cô hy vọng sẽ tiếp tục tạo dựng những câu chuyện lớn nhỏ trong không gian qua studio thiết kế riêng của mình.
Mang trong mình dòng chảy văn hóa Việt Nam hòa quyện cùng trải nghiệm quốc tế, Camille mong muốn kết nối LAM NHA với các thương hiệu trong và ngoài nước, đặc biệt là đưa tinh hoa thủ công truyền thống của quê hương ra thế giới. Sự giao thoa độc đáo này đã tạo nên những không gian sống vừa đậm đà bản sắc Việt, vừa mang hơi thở đương đại tinh tế. Trong tương lai, Camille ấp ủ kế hoạch theo đuổi bậc Tiến sĩ để nghiên cứu sâu hơn về khả năng kể chuyện của kiến trúc trong bối cảnh truyền thông và văn hóa đương đại.
Tuấn Ngọc – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc